Hiện nay, việc có nhiều GenZ đã làm “sếp” dù còn rất trẻ đã không còn xa lạ với chúng ta. Cùng tìm hiểu tại sao những bạn ấy có thể làm được điều này trong bài viết sau đây nhé.
GenZ là thuật ngữ để chỉ thế hệ các bạn trẻ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1996 - 2010. Như vậy, tính tới 2024, GenZ “già” nhất là 28 tuổi và trẻ nhất là 14 tuổi. Theo Economist, tại Mỹ có hơn 6.000 giám đốc và 1.000 chính trị gia thuộc thế hệ này. Trong bài blog này, HR1Jobs sẽ tập trung vào nhóm GenZ có độ tuổi từ 18-28, độ tuổi được coi là “trưởng thành” ở hầu hết các quốc gia.
Tuy GenZ là thế hệ sinh sau đẻ muộn, song trong thực tế, có rất nhiều bạn đã và đang nắm giữ những vị trí quan trọng của các doanh nghiệp, chẳng hạn như Leader, Manager, Director hay thậm chí nhiều bạn trẻ còn là Founder (nhà sáng lập) các thương hiệu gắn liền với tên tuổi của chính mình. Vậy do đâu mà các GenZ này tuy còn trẻ nhưng lại có thể trở thành “sếp”, trở thành những mắt xích quan trọng của nhiều doanh nghiệp như vậy?
1. Tư duy và tài năng khác biệt
Theo triết học, sự phát triển có tính kế thừa. Tương tự như thế, sự phát triển của con người có tính tích lũy qua mỗi thế hệ. GenZ là những bạn trẻ được lớn lên cùng sự nhảy vọt của công nghệ, trưởng thành song song với quá trình “phẳng hóa” địa cầu, có khả năng kết nối tới hầu hết thông tin và kiến thức tiên tiến nhất của thế giới. Các bạn có khả năng trau dồi các kĩ năng mềm, kiến thức chuyên môn hay chuẩn mực đầu ra công việc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì vậy, tư duy và tài năng của rất nhiều GenZ vượt trội hơn hẳn so với những thế hệ khác khi xét cùng một độ tuổi.
Một khía cạnh quan trọng khác lý giải cho khả năng xuất sắc của nhiều bạn GenZ đón là sự cởi mở. Các bạn không hề ngần ngại tiếp thu chia sẻ từ người có kinh nghiệm, chủ động chắt lọc và gọt dũa chúng thành nét độc đáo trong tư duy của chính mình. Do đó, những GenZ cởi mở về tư duy có thể khiến bản thân trở nên khác biệt, tạo được ấn tượng tốt khi làm việc với các nhà lãnh đạo khác. Cơ hội làm “sếp” cũng từ đó mà rộng mở hơn rất nhiều.
2. Được tiếp xúc với “môi trường lãnh đạo” từ sớm
Trong thị trường lao động hiện nay, những vị trí cao cấp của doanh nghiệp chủ yếu thuộc về các thế hệ GenX và GenY. Khi các GenZ được sinh ra và lớn lên trong gia đình có phụ huynh là những người sếp giỏi, không thể nào phủ nhận rằng những bạn trẻ này sẽ bị ảnh hưởng bởi tư duy và tác phong làm việc của những nhà lãnh đạo thực thụ. Khi được dạy dỗ, được rèn dũa, được thừa kế lại các tư duy làm “sếp” từ những người xung quanh mình, mức thời gian cần thiết để một GenZ leo lên vị trí lãnh đạo sau khi bước chân vào thị trường lao động sẽ rút ngắn lại đáng kể.
Môi trường xung quanh là một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới tư duy của một cá nhân. Khác với trình độ chuyên môn, yếu tố có thể cải thiện dần theo thời gian làm việc, để tư duy của một nhân viên bình thường nâng cấp thành tư tưởng của một người “sếp” là điều vô cùng khó. Có những người 40 50 tuổi đã làm việc một thời gian dài nhưng chỉ dừng lại ở vị trí nhân viên hoặc chuyên viên, trong khi đó có nhiều sinh viên mới đi làm được vài năm đã có thể thăng tiến lên hàng ngũ lãnh đạo.
Xem thêm: GenZ làm lãnh đạo, nói ai nghe?
3. Khát vọng được "Tự do tài chính" lúc còn trẻ
Tự do tài chính là khái niệm dùng để chỉ trạng thái tài chính của cá nhân mà khi đó, một người dự kiến có thể sống mà không cần phải lo nghĩ về vấn đề tiền bạc. Ngoài tư duy, tài năng và môi trường, mục tiêu “Tự do tài chính” là một trong những yếu tố thúc đẩy các bạn GenZ luôn bứt phá bản thân không ngừng nghỉ.
Sự thịnh vượng về tài chính cho phép bản thân chúng ta “nghỉ hưu non”, tức không cần phải làm việc nữa mà vẫn có thể sống sung túc, thoải mái tới hết đời, thậm chí còn dư ra khoản thừa kế cho con cháu sau này. Để từ mức “độc lập tài chính” tiến lên thành “tự do tài chính”, tất cả mọi người đều phải trải qua một hành trình gian khổ và mới chỉ có một bộ phận dân số nhỏ của thế giới đạt được trạng thái này.
Một khi được tiếp xúc, hiểu rõ khái niệm “tự do tài chính” và những lợi ích và nó mang lại đối với cuộc sống của bản thân, chắc hẳn không có GenZ nào mà không khao khát đạt được trạng thái đó. Khi thế giới càng ngày càng phát triển, điều này đồng nghĩa với việc con người càng tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị hơn. GenZ ngày nay là những cá nhân ưa chuộng sự mới mẻ, mong muốn đa dạng hóa trải nghiệm cá nhân và tận hưởng cuộc sống tối đa nhất có thể. Chính vì thế, “tự do tài chính” là động lực khổng lồ để các bạn trẻ phấn đấu lên những vị trí “sếp”, đạt được mức thu nhập cao, từ đó tiến hành các thương vụ đầu tư sinh lời để làm nền tảng cho sự thịnh vượng về tài chính trong tương lai gần.
Với mục tiêu là “Tự do tài chính”, một tư duy lãnh đạo được mài dũa sắc bén đi đôi với trình độ chuyên môn vững chắc, phát triển trong môi trường tham vấn chất lượng sẽ là những yếu tố chủ chốt đóng vai trò dẫn dắt các bạn GenZ. Khi hội tụ đủ các điều kiện này, việc từ cấp nhân viên trở thành một người sếp, người chủ tài giỏi trước tuổi 30 không phải là điều không thể với một GenZ.
Hãy follow HR1Jobs để khám phá thêm những chủ đề hữu ích khác nhé.
HR1Jobs - Nền Tảng Tuyển Dụng Trực Tuyến Đa Ngành Nghề
Tìm việc và tuyển dụng ngành IT. Khám phá thêm tại www.hr1tech.com