Khi bước chân vào thị trường lao động, hiểu rõ Luật Lao Động là bước đầu tiên để bảo vệ quyền lợi của bạn. Dưới đây là 5 quy định quan trọng mà người mới đi làm nhất định phải nắm rõ để khởi đầu thuận lợi và an toàn.
1. Thời Gian Và Mức Lương Thử Việc
Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc được quy định như sau:
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo đó, công ty không được yêu cầu người lao động thử việc vượt quá thời gian thử việc tối đa nêu trên.
Căn cứ Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do người lao động và công ty cùng thỏa thuận, nhưng mức lương ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó.
Thời Gian Và Mức Lương Thử Việc
2. Trong Thời Gian Thử Việc Vẫn Được Nghỉ Lễ Và Hưởng Nguyên Lương
Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).”
Như vậy, quy định về ngày nghỉ lễ và hưởng nguyên lương áp dụng chung cho tất cả người lao động mà không phân biệt là lao động chính thức hay đang trong thời gian thử việc.
Xem thêm: Top 3 Điều Về Thử Việc Mà Bạn Có Thể Chưa Biết
3. Một Số Quyền Lợi Của Người Lao Động Nữ
Theo Bộ luật Lao động:
- Không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, vẫn được hưởng đủ tiền lương.
- Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ 60 phút/ngày, vẫn được hưởng đủ tiền lương.
Một Số Quyền Lợi Của Người Lao Động Nữ
4. Nộp Thuế Thu Nhập Cá Nhân
Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích từ lương và các nguồn thu nhập khác (nếu có) để nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Mục đích của thuế thu nhập cá nhân là để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân, góp phần làm giảm sự chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư.
Có hai nhóm đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân: Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Cụ thể:
- Cá nhân cư trú: Thu nhập chịu thuế bao gồm tất cả các khoản thu nhập phát sinh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi chi trả thu nhập.
- Cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả hoặc nhận thu nhập.
Xem thêm: Hướng Dẫn Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân Mới Nhất 2024
5. Các Hành Vi Bị Nghiêm Cấm Trong Lĩnh Vực Lao Động
Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động:
- Phân biệt đối xử trong lao động.
- Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Các Hành Vi Bị Nghiêm Cấm Trong Lĩnh Vực Lao Động
Theo dõi HR1Jobs để đón xem những bài viết bổ ích khác!
Nguồn:
Thư viện Pháp luật
TLT Legal
HR1Jobs - Nền Tảng Tuyển Dụng Trực Tuyến Đa Ngành Nghề
Tìm việc và tuyển dụng ngành IT. Khám phá thêm tại www.hr1tech.com