Sau 2 năm dịch bệnh, mô hình làm việc cũng đã có nhiều thay đổi mới. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chính sách và cho phép nhân viên được làm việc tại nhà. Tuy nhiên, một bài toán khó đã được đặt ra cho các tổ chức: “Làm cách nào để có thể quản lý, thúc đẩy nhân viên vẫn giữ vững phong độ, hiệu suất công việc ở mức tối đa khi làm việc từ xa?”
Trí: Ê Vy, dạo này làm việc cứ thấy mệt mỏi sao sao đó, cảm thấy không có sức sống. Nhất là mấy hôm được work from home, lúc đó chỉ muốn được nằm dài trên giường mà ngủ. Còn ở công ty thì lại ngáp ngắn ngáp dài.
Vy: Hmm…Do cách quản lý thời gian trong công việc của Trí chưa tốt đó thôi.
Trí: Mà Vy hay thiệt, thấy làm việc cả ngày mà vẫn tràn đầy năng lượng ghê. Làm cách nào để Vy có thể giữ năng lượng lâu được như vậy?
Vy: Không phải tràn đầy năng lượng như Trí nói đâu, Vy cũng có lúc cảm thấy mệt lắm á nhưng mà do Vy biết cách để quản lý thời gian, công việc của mình, nên là khi làm việc đỡ cảm thấy buồn ngủ mà tập trung hơn.
Trí: Ê hay dữ vậy, có tips gì hả?
Vy: Không phải là tips gì cao siêu lắm, mà đó là do vô tình một lần đọc trúng một bài trên Facebook, thấy hay hay, áp dụng thử tới giờ luôn, nghe là đủ thấy tin tưởng rồi hen.
Trí: Trời, hay vậy mà không chỉ bạn!
Vy: Thì giờ chỉ nè! Phương pháp đó gọi là Pomodoro hay còn gọi là phương pháp quả cà chua
Trí: À, giống con rồng Komodo gì đó hả?
Vy: Không phải! Là POMODORO
Trí: Nghe lạ quá, “spill” thêm cho Trí đi
Vy: “Phương pháp Pomodoro” được phát minh bởi một doanh nhân người Ý tên là Francesco Cirillo. Sở dĩ có cái tên “Pomodoro” là vì ông đã sử dụng đồng hồ hình quả cà chua để đo lường thời gian làm việc của mình và “Pomodoro” trong tiếng Ý có nghĩa là quả cà chua. Nên đôi khi người ta gọi là phương pháp quả cà chua là vậy
Phương pháp này đã được chứng minh là khá hữu hiệu trong việc giải quyết vấn đề dễ mất năng lượng và khó tập trung sau một khoảng thời gian dài liên tục vùi mình vào công việc, học tập. “Pomodoro” đã cho thấy được sự hiệu quả của việc chia nhỏ thời gian làm việc qua các buổi nghỉ giữa giờ. Điều này rất tốt trong việc cải thiện lại sự tập trung cũng như thúc đẩy tinh thần làm việc tốt hơn.
Xem thêm: GenZ và chuyện học hành: Tại sao đầu tư vào giáo dục là cách tốt nhất để phát triển bản thân?
Trí: Hmm.. Ra là vậy. Nhưng mà phương pháp này có chỉ ra hay dành riêng cho đối tượng cụ thể nào không?
Vy: Không. Thật ra, ai cũng có thể là một người “bạn” đồng hành của phương pháp này. Tuy nhiên, có những “người bạn” đặc thù rất cần được biết và làm thân với “Pomodoro” như nhà văn, biên tập viên, hay content writer như tụi mình nè. Bởi đây sẽ là một trợ thủ cực kì đắc lực trong việc hỗ trợ cải thiện năng suất làm việc. Bên cạnh đó, bất kì ai cũng có thể sử dụng phương pháp này như một cách quản lý thời gian cân bằng và hiệu quả hơn, giúp giảm stress, căng thẳng, thúc đẩy năng suất và sự tập trung trong công việc.
Trí: Hay quá ha, vậy cách thức nó hoạt động thế nào? Có cần phải mua cái đồng hồ hình quả cà chua không?
Vy: Không cần, đồng hồ nào cũng được mà. Cách sử dụng phương pháp này, theo như nhà phát minh Francesco Cirillo thì ông chia quỹ thời gian làm việc thành 4 phiên, mỗi phiên 25 phút và cứ sau 25 phút sẽ nghỉ giữa giờ trong 5 phút. Cứ như vậy, kết thúc 4 phiên thì khoảng thời gian nghỉ sẽ được kéo dài hơn. Cứ mỗi phiên như vậy thì được gọi là một “Pomodoro”.
Trí: Hơi hơi hiểu một chút, Vy giải thích thêm đi
Vy: Oke, tưởng tượng thế này nha
Đầu tiên, cần phải xác định công việc sẽ làm là gì
Bước 2: Đặt thời gian (thông thường là 25 phút)
Bước 3. Tập trung làm việc cho đến khi nghe tiếng chuông reo. Nếu có bất kỳ điều gì làm mình phân tâm, hãy để sau và tiếp tục quay lại làm việc
Bước 4: Nghỉ giữa giờ 5 phút
Bước 5: Kết thúc 4 phiên (25 phút/phiên), hãy dành cho bản thân 15-20 phút nghỉ ngơi
“Phương pháp Pomodoro” rất hiệu quả nếu chúng ta áp dụng và tuân thủ đúng. Ví dụ như hãy thật sự tập trung làm việc trong thời gian đã định và nếu có bất kỳ điều gì gây cản trở (không thật sự cấp bách), hãy để giải quyết sau và nhanh chóng quay lại làm việc. Nếu mình hoàn thành sớm hơn thời gian đưa ra, hãy tận dụng thời gian còn lại để kiểm tra công việc đang làm, nhằm tránh sai sót. Và khi đến thời gian nghỉ ngơi, hãy thật sự dành cho mình khoảng thời gian “chữa lành” tâm hồn, sạc điện lại năng lượng bằng nhiều cách như nhắm mắt thư giãn, nghe một bản nhạc yêu thích, thưởng thức 1 tách trà,...
Xem thêm: Tại sao phải OT?
Trí: Vậy phải đi mua đồng hồ về làm theo mới được
Vy: Ấy khoan khoan, có một vài trang web và ứng dụng điện thoại mà Trí có thể download để sử dụng miễn phí á
Trí: Đâu đâu, chỉ Trí với
Vy:
1. Tomato Timer
Đây là một trang web rất được mọi người lựa chọn mỗi khi sử dụng “Pomodoro” bởi tính tiện lợi và dễ sử dụng. Trí chỉ cần truy cập vào trang web và bắt đầu theo hướng dẫn. Trang web với giao diện đáng yêu, dễ thao tác, sẽ không làm Trí thất vọng đâu. Ngoài ra, mình cũng có thể tự “custom” thời gian theo ý thích nhưng hãy luôn nhớ tuân thủ đúng quy tắc nhé.
2. Marinara Timer
Đây cũng là một trang web cho phép chúng ta thiết lập và quản lý thời gian theo cách của mình. Giao diện cũng khá dễ sử dụng, đơn giản.
3. Tomighty (Win/Mac/Linux)
Đây là phần mềm đa nền tảng nên chúng ta có thể dễ dàng cài đặt trên máy tính và sử dụng thuận tiện hơn.
4. Focus Timer
Cuối cùng là Focus Timer, rất thích hợp sử dụng cho Iphone và Ipad. Đây là một ứng dụng cho phép chúng ta tự thiết kế thời gian làm việc theo ý muốn. Ngoài ra, chúng ta sẽ dễ dàng có thêm động lực để hoàn thành công việc bởi Focus Timer còn có mục đánh giá bằng ngôi sao. Giống như khi còn đi học, mình sẽ được khích lệ điểm cộng hoặc “sticker” từ Thầy/Cô để góp phần thúc đẩy năng suất và sự cố gắng của mình đó
Trí: Phải nói “Phương pháp Pomodoro” thật sự là một vị cứu tinh đối với những ai đang lựa chọn hình thức “work from home” hay cần tạo cho mình một phong cách làm việc có quy tắc hơn.
Vy: Đúng là như vậy. Kết lại thì…Ban đầu sẽ có khó khăn bởi chúng ta sẽ phải đưa mình vào một khuôn khổ làm việc nhất định mà trước giờ chưa từng làm. Tuy nhiên, nếu có sự cố gắng và quyết tâm đủ lớn, chúng ta sẽ thấy rằng, hiệu suất làm việc của mình sẽ được cải thiện tốt hơn, cách quản lý thời gian hiệu quả và công việc cũng sẽ hoàn thành nhanh chóng và chính xác hơn.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều này? Ngoài phương pháp Pomodoro ra, bạn còn có tips nào để cải thiện năng suất và quản lý thời gian của mình tốt hơn không?
Vy: Trước khi kết thúc, chúng mình gửi tặng bạn một câu quote trong ngày nha:
“Nếu bạn muốn có một cuộc sống cá nhân chất lượng cao, hãy lập kế hoạch về một cuộc sống cá nhân chất lượng cao.” – Peter Turla
Khám phá thêm chủ đề thú vị cùng series podcast "ZWiki" tại đây nhé!
Youtube & Spotify