Không phải ai cũng biết nói từ chối. Trong bất kì mối quan hệ nào, việc khước từ yêu cầu của ai đó cũng ít nhiều khiến ta cảm thấy bứt rứt. Khi đi làm, trong một môi trường tồn tại tính chất “giữ mối quan hệ” thì việc từ chối lại càng khó hơn. Đồng nghiệp nhờ lấy hàng online, sếp nhờ làm thêm task, dù trong lòng không muốn làm nhưng cũng chẳng biết cự tuyệt ra sao.
Vì vậy, nhìn thì tưởng dễ, nhưng để nói từ chối cần phải biết cách, thậm chí là phải học. Trong bài viết này, HR1Jobs sẽ bày cho bạn 4 cách để nói từ chối trong môi trường công sở, giúp bản thân có thời gian tập trung hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất thay vì cố gắng loanh quanh để làm hài lòng người khác.
Tại Sao Nhiều Người Ngại Nói Từ Chối?
Có nhiều lí do để chúng ta ngại nói lời từ chối. Sợ mích lòng người khác, sợ mối quan hệ sẽ đứt gãy hoặc bản thân tự cảm thấy có lỗi. Thật ra con người chúng ta tồn tại cảm xúc như thế này là bình thường, vì việc nói từ chối thúc đẩy nỗi sợ ở sâu bên trong chúng ta. Ta thường có xu hướng tự cho rằng việc từ chối là một hành động ích kỷ, và cảm thấy có lỗi khi không đáp ứng mong muốn của người khác, lo lắng rằng họ sẽ nghĩ chúng ta là người không tốt.
Ai cũng mong muốn được mọi người yêu quý và chấp nhận. Vì vậy, ta sợ làm phật lòng người khác nếu như từ chối yêu cầu hoặc sự nhờ vả của họ. Sâu bên trong tâm khảm, ta sẽ ngay lập tức thấy khó chịu nếu sự từ chối của mình làm họ buồn, khó chịu, thậm chí là thất vọng. Điều đó sẽ khiến mình dễ rơi vào trạng thái hoài nghi bản thân, tự hỏi rằng “liệu mình có đang làm đúng”, “có chút chuyện thôi cũng không thể giúp người ta làm”, vân vân và mây mây.
Trong môi trường công việc, việc từ chối có thể trở nên phức tạp hơn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên mà còn có thể tác động đến cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp. Cho nên, để tránh xảy ra những rủi ro đó, ta sẽ có xu hướng hạ mình, nhún nhường và cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu có thể có.
Tại Sao Nhiều Người Ngại Nói Từ Chối?
Ngại Nói Từ Chối Tiềm Tàng Những Hậu Quả Gì?
Chúng ta đều nói đến hậu quả của việc nói từ chối trên góc độ mối quan hệ xã hội, nhưng còn thứ quan trọng hơn mà chưa đề cập: chính bản thân chúng ta.
Đúng vậy, việc không biết cách từ chối cũng sẽ khiến chính mình bị “tổn thương”. Khi chúng ta đang loay hoay với công việc riêng của mình, hoặc đơn giản là đang không đang trong trạng thái sẵn sàng để giúp đỡ, thì khi tiếp nhận thêm một lời mời, yêu cầu hoặc nhờ vả sẽ vô tình đè thêm gánh nặng lên vai bản thân. Mọi thứ đang bình thường bỗng trở nên quá tải. Từ đó, hiệu suất công việc không cao, mất tập trung và khó hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nếu tần suất nói “đồng ý” của bạn diễn ra liên tục, thì bạn sẽ có nguy cơ đánh mất đi sự tự chủ và kiểm soát trong cuộc sống của mình. Ví dụ,
- Bạn liên tục nhận lời tham gia các cuộc ăn uống sau giờ làm, mặc dù bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn ở nhà nghỉ ngơi.
- Bạn liên tục đồng ý giúp đỡ đồng nghiệp làm thêm task, mặc dù bạn không có thời gian hoặc năng lực để làm việc đó.
- Bạn liên tục nhượng bộ trước ý kiến của sếp, mặc dù bạn không đồng ý với họ.
Tất cả những điều này dần sẽ khiến bạn không thể sống theo ý muốn của mình. Trong tiếng Anh có cụm từ gọi là “people pleaser”, chỉ việc một người luôn cố gắng làm hài lòng người khác, ngay cả khi điều đó buộc họ phải hy sinh nhu cầu và mong muốn của chính mình. Việc ngại nói từ chối, ở mặt nào đó cũng tương tự. Cho nên, khi đi làm, biết nói từ chối cũng là một kỹ năng, không chỉ cho cảm xúc của mình, mà còn giúp mình thực sự tập trung cho công việc và nhiệm vụ của bản thân.
Ngại Nói Từ Chối Tiềm Tàng Những Hậu Quả Gì?
Hãy Mạnh Dạn Nói Từ Chối!
Hãy học cách nói “không” một cách khéo léo và dứt khoát. Điều này không chỉ giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi những hậu quả tiêu cực mà còn giúp bạn xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và bền vững.
Sau đây là 4 bước giúp bạn nói từ chối một cách dễ dàng hơn:
- Cân nhắc về trạng thái hiện tại của bản thân: Trước khi nói "không", hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về tình trạng hiện tại của bạn. Bạn có đang bận rộn với công việc? Bạn có đủ năng lượng và thời gian để nhận thêm một nhiệm vụ mới? Việc dành thời gian để cân nhắc trước sẽ giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp và tránh đưa ra những lời hứa hẹn mà bạn không thể thực hiện.
- Câu từ chối cần phải khéo léo: Nếu bạn cảm thấy ổn với lời mời và không còn vướng bận gì khác, bạn có thể cân nhắc đồng ý. Nhưng trường hợp bạn muốn từ chối, hãy từ chối một cách dứt khoát nhưng phải khéo léo. Tránh sử dụng những từ ngữ tiêu cực hoặc mang tính công kích. Từ chối với giọng điệu nhẹ nhàng, hoặc nếu đối phương đủ thân thiết có thể sử dụng từ ngữ vui vẻ hơn để tránh không khí bị gượng gạo.
- Giải thích lí do: Sau khi từ chối, hãy giải thích lý do của bạn một cách rõ ràng và ngắn gọn, tránh giải thích quá nhiều và lặp lại. Điều này sẽ giúp người đưa ra yêu cầu hiểu được tình trạng của bạn và tránh những hiểu lầm không đáng có.
- Đề xuất phương án thay thế: Nếu có thể, hãy đề xuất một phương án thay thế để thể hiện thiện chí của bạn. Ví dụ, bạn có thể đề xuất giới thiệu một người khác phù hợp với lời mời hoặc đề xuất một thời gian khác để thực hiện.
Hãy Mạnh Dạn Nói Từ Chối!
Tóm lại, bạn có quyền từ chối những yêu cầu không phù hợp với khả năng, thời gian hoặc giá trị của bạn, và đừng ngại đặt ra ranh giới để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân. Hãy nhớ rằng, việc nói "không" không có nghĩa là bạn không phải là một người đồng nghiệp tốt hay không nhiệt tình với công việc. Ngược lại, biết cách từ chối một cách khéo léo sẽ giúp bạn xây dựng uy tín và sự tôn trọng trong mắt mọi người.
Theo dõi series “Chữa Làm Để Chữa Lành” của HR1Jobs để cập nhật những bài viết thú vị khác!
Xem lại Phần 4: Có Nên “Giả Vờ” Hướng Ngoại?