Khoảng thời gian khi còn bé thật thích. Chẳng cần phải bận tâm bộn bề cuộc sống, suốt ngày thỏa thích vui chơi với đám bạn đầu xóm, đợi mẹ gọi về nhà ăn cơm, rồi đánh một giấc ngủ trưa thật dài là hết ngày. Nhưng rồi ai cũng phải lớn. Cuộc sống người lớn áp lực nhưng chúng ta đều phải trưởng thành, chấp nhận để có trách nhiệm với cuộc sống, phải lớn để biết trân trọng mình hơn và phải lớn để biết, cuộc sống này không hề dễ dàng…
Dạo gần đây thì mình đã phải trải qua một khoảng thời gian khá là trầm cảm với cuộc sống xung quanh. Mình sợ hãi và áp lực vì rất nhiều thứ. Quá nhiều vấn đề trong cuộc sống này bắt mình phải lớn. Và mình đã tốn một khoảng thời gian khá dài để có thể vượt qua.
Tuy nhiên, đây không phải là một podcast tiêu cực, đây sẽ là một tập mà mình muốn dành thời gian để cùng chia sẻ với các bạn về những vấn đề trong cuộc sống khiến GenZ chúng mình mỏi mệt và những cách mình đã làm để có thể vượt qua được khoảng thời gian khó khăn đó.
Hãy cùng đón nhận với tâm thế thư giãn, tích cực nhé!
I. Làm người lớn sướng hơn
Mình chắc chắn rằng các bạn cũng sẽ đồng tình với mình một điều rằng, khi còn bé, chúng ta luôn ước mình mau lớn, ước được làm người lớn để khỏi phải ngủ trưa hay bị la mỗi khi lười học. Mình cũng vậy, hồi bé mình cũng đã từng ước rằng chỉ cần chớp mắt một cái là biến thành mình 18 tuổi.
Mình thấy việc trở thành người lớn ngầu lắm. Có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Muốn đi chơi lúc nào cũng được hay muốn ăn gì cũng chẳng bị ai la. Giống anh họ của mình vậy đó, hồi xưa cứ cuối tuần là mình hay được mẹ chở lên nhà anh chơi, anh mình sướng lắm, anh muốn làm gì cũng được, đi chơi với bạn, chơi game thay vì ngủ trưa đều không bị mắng. Còn mình á hả, đúng giờ là phải ngồi học bài, ăn cơm rồi đi ngủ trưa. Mà hồi bé ghét ngủ trưa lắm, ham chơi hơn.
Hay việc mình luôn tự hỏi vì sao ba mẹ lại có thể có nhiều tiền đến như vậy, mình muốn ăn gì, chơi gì là cũng sẽ mua cho. Ước làm người lớn để có nhiều tiền, mua tất cả những gì mà mình thích
II. Nhưng bây giờ, khi đã lớn, mình mới thấy là “làm người lớn mệt quá”!
Thật sự, có quá nhiều thứ không như trong tưởng tượng khi còn bé. Giống như việc cứ suốt ngày ganh với anh vì anh được đi chơi thỏa thích, không cần phải ngủ trưa mà đâu biết, cả tuần dài anh đã phải vùi đầu vào công việc, quên luôn cả sở thích chơi game của bản thân.
Hay cả việc luôn vòi vĩnh ba mẹ mua đồ chơi mới chỉ vì thấy ba mẹ nhiều tiền nhưng không biết rằng ba mẹ đã phải làm việc vất vả cỡ nào để vun vén cho gia đình đủ đầy nhất.
Có thể nói ngay từ bé, mình không bao giờ thiếu thốn bất kỳ điều gì, mình luôn được yêu thương và chu cấp những điều tốt nhất, bởi vậy mới có ước muốn nhanh được trở thành người lớn để tự do, để nhiều tiền và để có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn mà không phải phụ thuộc vào ai.
Nhưng bây giờ, khi đã ở độ tuổi U30, mình mới nhận thấy rằng, đúng là lúc đó suy nghĩ còn con nít quá. Cuộc sống người lớn nhiều nỗi lo toan và áp lực phải đối mặt. Và để có được những điều màu hồng mà mọi đứa trẻ nhìn thấy, người lớn đã phải cố gắng nhiều đến nhường nào…
III. Áp lực phải trưởng thành
Ở cái tuổi này rồi mình mới cảm nhận rõ những áp lực phải trải qua. Và mình bắt buộc phải tập lớn để quen với những khó khăn trong cuộc sống. Bởi vì giờ đây, mình sẽ phải tự đương đầu với mọi vấn đề và tự tìm cách để giải quyết nó.
Sẽ không giống như khi còn bé, mỗi khi chạy chơi trong sân, vấp té chảy máu, khóc um xùm lên là có ba mẹ, có ông bà, anh chị chạy ra vỗ về chăm sóc hay đi học bị điểm kém, cô trách mắng, về nhà có gia đình an ủi động viên. Bây giờ thì khác, nhiều khi té còn đau hơn như vậy nữa, thất bại còn nhiều hơn nhưng đều phải tự mình chấp nhận và đứng dậy tiếp tục hành trình.
Làm người lớn không hề dễ dàng một chút nào, nhưng nhìn ba mẹ mình ngày càng già đi, nhìn thấy bạn bè ai cũng thành công, áp lực đè lên vai mình lại ngày một nhiều hơn. Mình bắt buộc phải lớn, bắt buộc phải trưởng thành cho dù thâm tâm lúc nào cũng ước “Phải chi mình còn bé, đỡ phải lo nghĩ thì hay biết mấy”
IV. Trách nhiệm của một người lớn
Càng trưởng thành thì càng đồng nghĩa với việc trách nhiệm của mình phải cao hơn. Mình không còn phải phụ thuộc vào ai nữa và mình cần phải làm chủ cuộc sống của mình. Có quá nhiều thứ để “mình cần” đối với tương lai phía trước.
- Mình cần có một công việc ổn định
- Mình cần có thu nhập tốt
- Mình cần mua nhà
- Mình cần làm tròn trách nhiệm của một người con
- Mình cần lập gia đình
Là một quy luật của cuộc sống và ai rồi cũng phải trải qua những khoảng thời gian đó. Đó là lý do mà chúng ta cần phải lớn để có trách nhiệm với bản thân mình và của cả những người xung quanh.
Trách nhiệm của một người lớn rất quan trọng. Như hồi bé bạn có thể đổ lỗi cho bất kỳ ai vì bất kỳ điều gì, miễn là nó có lợi cho bạn. Tuy nhiên, khi là một người lớn, bạn cần phải học cách có trách nhiệm với tất cả những gì mình làm. Bạn nói gì, làm gì đều là do bạn quyết định và lúc này, bạn không thể đổ lỗi cho người khác, nếu bạn làm như vậy sẽ trông rất buồn cười. Cứ như kiểu con nít tập làm người lớn nhưng mà là nửa mùa.
V. Đối diện với thực tế
Có thể nói mình khá tự tin để nói là mình ổn sau khoảng thời gian dài mông lung với cuộc sống. Mình tự hình thành nên cho bản thân những rào cản về hiện thực và huyễn hoặc mình bằng những lời nói mang tính chất hy vọng. Mình dành hàng dài thời gian để “trầm cảm” và để trốn tránh với áp lực và trách nhiệm của bản thân.
Mình chỉ biết khóc vào mỗi tối, sau một ngày dài làm việc vất vả, mong chờ vào một điều gì đó như hồi bé thường hay ước “Làm người lớn sướng quá, muốn làm gì cũng được, tiền lúc nào cũng có để mua đồ chơi”.
Nhưng khi được làm người lớn, mình lại muốn trở lại làm con nít, vô lo vô tư mà không cần bận tâm về bất kỳ một nỗi lo nào, bởi vì luôn có ba mẹ hỗ trợ. Nhưng bây giờ, mình đã lớn, mình phải tập thích ứng với cuộc sống xung quanh và đương đầu với nó.
Mình cần rèn luyện chỉ số AQ để dù có ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mình cũng sẽ dễ dàng vượt qua. Và luôn động viên bản thân bằng những câu nói thực tế “Cuộc sống đơn giản lắm, đừng phức tạp hóa nó lên” thay vì ngồi ước trong khi bản thân vẫn chỉ chôn chân mãi vào cái chậu cây mà mình cho là an toàn.
Mình bắt đầu tập thói quen đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn và lắng nghe cảm xúc của bản thân nhiều hơn. Mình dành ít nhất 1 tiếng mỗi tối để đọc một cuốn sách mà mình thích, dành không dưới 2 tiếng để viết những gì mình nghĩ, có thể theo chủ đề hoặc đơn giản chỉ là vì mình thích, mình muốn viết gì mình viết. Cuối cùng đó là lắng nghe cảm xúc của chính mình nhiều hơn. Mình không còn phải gắng gượng để vui vẻ cho dù mình đang không ổn.
Xem thêm: HIỆU ỨNG CHẬU HOA: "CHƯA DÁM BƯỚC RA KHỎI VÙNG AN TOÀN"
Mình sẽ tập nói thật với cảm xúc và không che giấu nó vì bất kỳ điều nào. Mình không muốn tích cực một cách độc hại và cũng không muốn thể hiện cảm xúc một cách quá lố để ảnh hưởng tới xung quanh. Chỉ là mình lắng nghe nó và kiểm soát nó tốt hơn.
Mình cho phép bản thân được có khoảng thời gian riêng được buồn để hiểu mình cần gì và để biết mình cần phải có trách nhiệm như thế nào. Mình biết cuộc sống người lớn không hề đơn giản, chúng ta có quá nhiều nỗi lo trong cuộc sống nhưng như mình đã nói, quy luật cuộc sống, ai rồi cũng phải lớn và chúng ta phải chấp nhận với điều đó.
Mình vẫn chỉ đang trong hành trình tập làm người lớn và sẽ trưởng thành theo thời gian. Chọn làm một người lớn trưởng thành hay một người lớn tập làm con nít là ở quyết định của bản thân mỗi chúng ta. Hãy có trách nhiệm với cuộc sống và sẵn sàng đối diện với áp lực nhé!
Còn bạn, cuộc sống này có làm bạn thấy mệt và cần một nơi để chia sẻ?
Chia sẻ cùng ZWiki nhé!
Khám phá thêm chủ đề thú vị cùng series podcast "ZWiki" tại đây nhé!
Youtube & Spotify