Looking article matching

Mình thấy con nhà người ta cũng bình thường thôi

07/04/23 08:12

“Con nhà người ta” - một khái niệm về sự so sánh đã, đang được áp dụng rất nhiều trong xã hội ngày nay. “Con nhà người ta” sẽ luôn có mặt ở bất kì đâu mà bạn tới, nhất là ở những buổi thảo luận về “thành tích” của các bậc phụ huynh, những buổi họp với sếp và cả những hôm cà phê cùng bạn bè. Điều này có thể đưa bạn lên mây, hoặc cũng có thể đẩy bạn rơi xuống đất một cách đầy đau đớn.

1. “Con nhà người ta” là ai?

Chúng ta là những cá thể luôn được so sánh và bị so sánh với “con nhà người ta”. Với ngoại hình ưa nhìn, giỏi thể thao, xuất sắc trong học tập, lễ phép và là ước mơ, là tiêu chuẩn của nhiều người. Và họ sẽ có tất cả những điều mà bạn không có. Nói một cách dễ hiểu, “con nhà người ta” là một hình mẫu hoàn hảo. Nhưng đến tận bây giờ, vẫn không một ai biết danh tính của người ấy là ai?

2. “Con nhà người ta” cũng bình thường thôi mà!

Chúng ta, ít nhiều cũng một lần được đóng vai “con nhà người ta” trong mắt của các bà hàng xóm, bạn của ba mẹ, Thầy Cô hay thậm chí là Sếp ở công ty bởi vì chúng ta có những điểm mà người khác không có. 

Việc trở thành "con nhà người ta" thật ra không khó như mọi người nghĩ. Bởi mình cũng từng ở vị trí đó dù cho có đi chơi cả ngày, ngủ nướng đến tận trưa hay thậm chí là có những lúc lười biếng không hề cố gắng. Vậy thì lúc này, ai mới là “con nhà người ta”? 

Mình biết rằng, một số ít bạn sẽ có cảm giác sung sướng và tự hào vì mình là niềm hãnh diện của một ai đó. Đúng vậy, ai mà chả muốn như thế. Tuy vậy, đây vô hình chung lại là một con dao hai lưỡi khi bản thân phải không ngừng nỗ lực để giữ vững mãi cái danh hiệu đó. Để rồi khi mọi thứ không như ý muốn, nhìn lại, mình cũng chỉ từng là “con nhà người ta” 

Suy cho cùng, cái danh hiệu đó cũng chỉ là do người ta truyền miệng nhau về những thành tựu hay điểm tốt nhất thời của một người bình thường mà thôi. 

Lắng nghe "Mình thấy "con nhà người ta" cũng bình thường" qua nền tảng Podcast tại đây!

3. “Con nhà người ta” - có phải là một sự so sánh độc hại?

Thật sự mà nói, cái danh hiệu này có thể là xấu hoặc tốt, tùy vào mục đích mà chúng ta hướng đến. Tuy nhiên, giờ đây, mỗi khi nhắc đến “con nhà người ta”, chắc chắn đó chỉ là sự phân bì, so sánh dựa trên cái tiêu chuẩn chủ quan của một người. Đó không còn là so sánh để cố gắng hoàn thiện bản thân mà dần trở thành áp lực khi phải cố gắng để là một người khác. 

Thay vì xem đó là hình mẫu để cổ vũ, để phấn đấu thì bây giờ, đó lại là nỗi “ám ảnh” vô hình, để lại nhiều hệ quả, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần. Bản thân ngày càng phải nỗ lực để là “con nhà người ta” nhưng là giống với “con nhà người ta”. Cứ như một vòng lặp không bao giờ kết thúc vậy. Thế giới dần trở thành đấu trường của các chiến sĩ “con nhà người ta”. Và lúc này, thì “con nhà người ta” là một sự so sánh độc hại.

3.1. Con cũng ước mình được như người ta 

“Con của ông An mới được thăng chức, lương cả ngàn đô, còn mày thì sao?”, “Bà Linh xóm trên mới khoe con bả tốt nghiệp loại giỏi, được học bổng du học bên Mỹ”...và hàng tá các câu khác mà có kể cả ngày cũng không hết. Có lẽ, bạn cũng đã từng phải trải qua trường hợp này rồi, đúng không?

Kỳ vọng từ các bậc phụ huynh dành cho con cái mình không sai, nhưng chỉ là chưa biết cách để truyền đạt. Đôi khi những lời nói đó chỉ là một phút chạnh lòng, muốn được chia sẻ như một lời khuyên từ ba mẹ. Nhưng, nó chưa đúng để là một lời động viên và dần dần, nó trở thành những áp lực bắt buộc khi tần suất xuất hiện ngày một nhiều hơn. Chúng ta, những người trẻ không còn phấn đấu để là chính mình nữa, mà đang trở thành một cái bóng của “con nhà người ta” để làm vui lòng ba mẹ.

Mình nhớ khi còn bé, mình có một người bạn “đã từng rất thân” tên Hà. Có thể nói, mình với Hà chính là “con nhà người ta” đối với nhau và khỏi nói ai cũng biết, ba mẹ mình đặt kỳ vọng vào mình rất nhiều và luôn lấy bạn ấy làm thước đo cho sự cố gắng của mình. 

Và bất kỳ điều gì Hà làm, mình cũng đều phải làm giống như vậy, có khi còn phải hơn như thế. Như chuyện Hà đi học múa thì nhà mình cũng bắt học múa chung, mà có khi là còn phải múa đẹp hơn, giỏi hơn nữa kìa. 

Thời gian mình nhận ra, những gì mình đang làm, đang cố gắng thật ra chỉ là đang sống cho ước mơ của người khác, cho kỳ vọng của ba mẹ mà thôi. Bởi vậy hồi đó, ai hỏi mình “Ước mơ của con là gì”, mình đều nói là “Con không biết”. 

3.2. Ai cũng có giá trị của riêng mình 

“Peer pressure” là một thuật ngữ để chỉ về những áp lực đồng trang lứa. Chắc hẳn bạn cũng sẽ đồng ý với mình rằng, càng lớn thì những buổi cà phê cùng bạn bè sẽ dần trở thành những buổi “khoe thành tích”. Khi mà “tao mới thuê đc căn chung cư Q2 để ra ở riêng”, “con Iphone 14 promax này rẻ rề hà”, “Ê, mới mua được con Vision nè, thấy đẹp không?” là “lời chào” sau bao ngày gặp lại. Lúc này thì “con nhà người ta” đúng là một nỗi ám ảnh thật sự. 

Giống như thằng bạn hồi xưa học dở nhất lớp, lúc nào cũng quậy phá bị Thầy Cô rầy la mỗi ngày, ai cũng nghĩ sau này nó sẽ chẳng ra ôn ra khoai gì. Vậy mà bây giờ lại đang là Trưởng phòng, lương tháng 2,3 ngàn đô, đúng là thời gian trôi qua làm con người ta thay đổi nhiều thật.

Tự nhiên thấy mắt cay xè, thấy chạnh lòng ghê. Hồi đó còn hay chọc nó điểm thấp hơn mình, vậy mà bây giờ mình lại chẳng bằng ai. Bởi vậy mới thấy, áp lực đồng trang lứa nó kinh khủng cỡ nào, ngày trước chắc thằng bạn mình nó cũng buồn vì bị chê trách như thế. Mà thôi kệ, thấy nó có cố gắng thành công vậy cũng mừng. 

Nhưng mà các bạn ơi, mình thật sự chỉ muốn nói là, ai cũng có giá trị của riêng mình. Tuy rằng chúng ta không được như người khác nhưng ít nhất, chúng ta cũng đã cố gắng trên hành trình của mình rồi.

3.3. Định hướng của em khác với các bạn

Làm người giỏi nhất trong một tập thể yếu kém hay là người yếu kém trong một tập thể giỏi nhất? Bạn chọn điều gì? Mình chọn là người bình thường trong một tập thể có thể giỏi nhất hoặc cũng có thể yếu nhất. Chẳng sao cả, mình không muốn là “con nhà người ta” ở bất kỳ khía cạnh nào, mình chỉ chấp nhận với môi trường mình đang ở, và mình chỉ muốn là một người bình thường. 

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống cũng ngày một tăng cao, vì vậy, áp lực chính là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt là trong công việc, khi ngày càng có quá nhiều người tài xuất hiện thì bạn sẽ dần trở thành một “lựa chọn thay thế”. Và đó cũng là một nỗi lo của không chỉ riêng mình, riêng bạn mà là của mọi người. 

Trong một cuộc họp với Sếp, chắc chắn không thể tránh khỏi sự so sánh giữa cá nhân này, cá nhân kia. Một người Sếp tốt là người biết lèo lái và động viên nhân viên của mình thay vì đem lên bàn cân so sánh. Tuy nhiên, dù như thế nào đi chăng nữa, sẽ không thể nào tránh khỏi việc chúng ta cảm thấy tự ti, tủi thân với những lời nói gây sát thương như “Chị muốn em cũng sẽ làm được như bạn Trang”, “Anh nghĩ là em nên học hỏi thêm ở Tiến”...và thêm ti tỉ lời nói làm chúng ta “down mood”. 

“Ủa, sao bạn này làm được mà em không làm được?” “Cái đó ai cũng làm được mà em, có gì phải tự hào?” Mình không biết các bạn có từng gặp qua những trường hợp này hay chưa chứ mình và đồng nghiệp thì đã từng rồi. Lúc đó mình cảm thấy buồn và trầm cảm lắm vì cảm thấy bản thân thua thiệt và tệ đến thế nào. Lúc nào cũng bị so sánh với người này, người kia. Nếu có một ai tốt hơn thì lập tức, những người còn lại sẽ được đem ra làm thước đo so sánh cho sự thành công của người khác thay vì là cổ vũ và động viên nhau.

Xem thêm: 5 THÓI QUEN GIÚP BẠN THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC

Thậm chí cả việc giải trí, lướt mạng xã hội cũng không thể tránh khỏi cảm giác bị so sánh với “con nhà người ta”. Hàng loại các bài báo, các video, các dạng content với nội dung giống nhau được đăng tải mỗi ngày trên facebook, tiktok: “Mình đã làm gì để thành quản lý sau 3 tháng?”, “Chỉ cần 10 phút mỗi ngày mình cũng có thể kiếm được chục triệu”, “Làm CEO ở tuổi 22 quá đơn giản” “Học cách làm giàu chỉ với 100k” vâng vâng và mây mây.... Lúc này, chúng ta cảm thấy ngưỡng mộ vì các bạn quá giỏi nhưng khi chúng ta bắt đầu cảm thấy không còn hài lòng về bản thân mình thì đó cũng là lúc chúng ta đang cho phép bản thân tự so sánh với “con nhà người ta” đấy.

4. Đừng là người khác, hãy là chính mình

Kết quả cho những điều trên là bản thân xuống dốc, suy nghĩ tiêu cực, áp lực ngày một tăng cao cũng chỉ vì chúng ta muốn được như họ. Nhưng bạn hãy nghĩ rằng, nếu chúng ta nhìn vấn đề theo hướng tích cực thì kết quả sẽ tích cực. Bất kỳ áp lực nào cũng sẽ tạo ra kim cương, và bất kỳ khó khăn nào cũng sẽ dẫn chúng ta đến thành công. 

Đôi khi, chúng ta không nhận ra được cái độc hại của “con nhà người ta” đem lại. Một lần, hai lần thì có thể là “lời khuyên” nhưng nhiều lần sẽ trở thành áp lực. Áp lực vô hình sẽ biến thành liều thuốc độc dẫn đến rất nhiều hệ lụy không hay. Và như đã nói, “con nhà người ta” cũng bình thường như bao người và cũng chỉ là cái danh hiệu không có tiêu chuẩn cụ thể. Vậy nên, thay vì so sánh với thành công của người khác, hãy để chính mình là “con nhà người ta” và so sánh bản thân ngày hôm nay với hôm qua và biến chúng ta của ngày mai thành một phiên bản tốt hơn.

 


Khám phá thêm chủ đề thú vị cùng series podcast "ZWiki" tại đây nhé!
Youtube & Spotify

HR1Jobs - Multi Industry Online Recruitment Platform

Find jobs and recruitment in IT majors. Discover more at: www.hr1tech.com

Series & Podcast

View all
Đi Làm Cũng Cần Chữa Lành?

“Chữa Làm Để Chữa Lành”, một series mới của HR1Jobs, sẽ giúp bạn “chữa làm” - tiếp cận những lát cắt trong công việc với tâm thế tích cực...

Có Nên “Giả Vờ” Hướng Ngoại?

Liệu có nên "giả vờ" hướng ngoại để hòa nhập với môi trường công sở sôi động như hiện nay?

4 Cách Để Nói Từ Chối Khi Đi Làm

Nhìn thì tưởng dễ, nhưng để nói từ chối cần phải biết cách, thậm chí là phải học.

Tại Sao Cần Một “Squad Văn Phòng” Chất Lượng?

Có người sẽ cảm thấy thoải mái khi làm việc độc lập, và cũng có người thích làm việc theo nhóm để tăng độ hiệu quả và năng suất - gọi là...

Chế Ngự Stress Để Chill Giữa Deadline

Ai trong đời đi làm cũng phải gặp stress. Thế nhưng, nghệ thuật ở chỗ dù stress vẫn “chill”, dù deadline “đầy đầu” nhưng vẫn giữ vững...

Nói “Không" Với Overwork Để Thoát Khỏi Vòng Xoáy Công Việc

Liệu việc chạy theo công việc một cách quá sức sẽ giúp bạn thành công nhanh hơn? Hay đó chỉ là một dạng bào mòn sức khỏe khiến bạn kiệt...