Cuộc sống hiện nay đang dần thay đổi cách chúng ta đối mặt với nó. Như ngày xưa, ông bà ta chật vật với cái nghèo cái đói; thì ngày nay, người trẻ cũng phải đau đầu với những nỗi đau mang vẻ ngoài thời đại. Áp lực, cô đơn, mệt mỏi không chỉ ẩn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn là những ngày tháng miệt mài chốn công sở.
Vậy nên, con người mình cần được chữa lành mọi lúc. Đặc biệt là trong những lúc đi làm. Bởi vì, công việc không chỉ là nơi để chúng ta kiếm sống, mà còn là nơi chúng ta dành phần lớn thời gian và tâm sức của mình.
“Chữa Làm Để Chữa Lành”, một series mới của HR1Jobs, sẽ giúp bạn “chữa làm” - tiếp cận những lát cắt trong công việc với tâm thế tích cực nhất để “chữa lành” những khó khăn, mệt mỏi khi sống sót nơi văn phòng. Từ đó, giúp bạn tìm lại niềm vui, sự bình an và động lực để tiếp tục cống hiến.
Trong bài viết này, hãy cùng HR1Jobs khám phá lát cắt đầu tiên trong series với câu hỏi mở màn: Đi Làm Cũng Cần Chữa Lành?
Chữa Lành Là Gì Mà Ai Cũng Đổ Xô Đi Tìm Liệu Pháp?
GenZ ngày nay chắc có lẽ đã quá quen thuộc với khái niệm này, bởi nó hiện hữu khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Người người, nhà nhà đi chữa lành, chưa bàn đến việc nó có cần thiết hay không, nhưng tần suất người trẻ có nhu cầu được “healing” trở nên ngày càng nhiều.
Chữa lành, về bản chất, là một hành trình phức tạp và đa chiều, có liên quan mật thiết đến tâm linh, triết học và văn hóa. Các giáo lý như Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều đề cao sức mạnh của chữa lành như một yếu tố thiết yếu để duy trì sự cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thay vì chỉ tập trung vào việc chữa lành thể xác, nó còn chú trọng đến việc chữa lành tâm hồn, giải phóng con người khỏi những tổn thương, đau khổ và tiêu cực. Chữa lành cũng bao gồm việc kết nối với bản thân ở mức độ sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về giá trị, niềm tin và mục đích sống của mình.
Vì thế, chữa lành chính là quá trình quay về với chính mình, đi vào bên trong trước khi trở ra bên ngoài. Làm lành với nội tại cho đủ để có thể đối mặt với nhiều điều khó khăn. Ngày nay, người trẻ tìm thấy áp lực từ nhiều phía với cường độ ngày càng tăng. Từ áp lực học tập, công việc, đến áp lực từ gia đình và xã hội, vô số thử thách đã khiến họ dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Vì vậy, không quá khó hiểu khi cụm từ “chữa lành” đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.
Chữa Lành Là Gì Mà Ai Cũng Đổ Xô Đi Tìm Liệu Pháp?
Tại Sao Đi Làm Cũng Cần Chữa Lành?
Xét về góc độ đi làm, ai trong chúng ta cũng đều ít nhiều gặp căng thẳng và áp lực khi làm việc. Áp lực từ sếp khó tính, đồng nghiệp không thân thiện, khối lượng công việc nhiều, phải hoàn thành đủ KPI, làm thêm giờ mỗi ngày,... đã khiến cho việc đi làm trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều người. Nhưng nếu không đi làm thì không thể kiếm sống, nên ta phải gắn bó cả đời với môi trường văn phòng và thị trường lao động.
Từ đó, mưu cầu được chữa lành khi đi làm trở nên vô cùng cần thiết. Những câu hỏi như làm cách nào để vượt qua áp lực công việc, làm cách nào để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, đối phó với môi trường làm việc độc hại,... luôn được nhiều người quan tâm. Bởi lẽ, đi làm phải vui thì mới hiệu quả. Đi làm phải có động lực thì mới tạo ra giá trị bền vững. Đó không chỉ là để bồi dưỡng cho mối quan hệ với doanh nghiệp, mà còn là bảo vệ bản thân không bị bào mòn bởi “tư bản”.
Tại Sao Đi Làm Cũng Cần Chữa Lành?
Chữa Lành Khi Đi Làm, Liệu Có Khó?
Nói một cách thẳng thắn, chữa lành khi đi làm là một hành trình dài và đầy thử thách. Nó có khó hay không? Khó, nhưng không phải là không thể. Nó đòi hỏi sự kiên định ở bản thân bạn. Chữa lành sẽ hiệu quả hơn nếu bạn biết rèn cho tâm trí và tâm hồn mình sự mạnh mẽ và không dễ bị tác động tiêu cực.
Đặt giới hạn cho bản thân là điều cần thiết. Bạn nên có cho mình một tiêu chuẩn riêng và giới hạn riêng khi làm việc. Ví dụ, bạn có thể đặt ra giới hạn về thời gian làm việc, về mức độ chịu đựng áp lực để tránh bị kiệt sức và overload. Ngoài ra, bạn cũng nên học cách nói “không" với những yêu cầu không hợp lý từ sếp hoặc đồng nghiệp. Đừng ngại từ chối những công việc mà bạn cảm thấy không phù hợp với khả năng hoặc không mang lại lợi ích cho bạn. Hãy tập trung vào những gì quan trọng với bạn và những gì bạn có thể làm tốt nhất.
Đừng quên dành thời gian “sạc pin” bản thân sau giờ làm việc. Bạn đã phải sử dụng quá nhiều sức lực và chất xám suốt hơn 8 tiếng đồng hồ tại văn phòng, nên sau đó hãy thư giãn, giải trí và làm những điều mình yêu thích để lấy lại năng lượng. Việc thải năng lượng ra - nạp năng lượng vào là điều quan trọng để bạn không bị bào mòn cơ thể và tâm trí. Hãy học thiền, yoga, hoặc đơn giản là bật một playlist nhạc yêu thích để lấy lại tinh thần. Đừng bỏ quên hoặc thậm chí đánh mất những thói quen tốt của bản thân.
Xem thêm: Me Time - Sạc điện tinh thần giới trẻ
Suy nghĩ của bạn quyết định cuộc đời của bạn. Vì vậy, tâm thế đối mặt trước công việc là vô cùng quan trọng. Một tâm thế tích cực, lạc quan và chủ động sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được thành công trong công việc. Ngược lại, nếu bạn chấp nhận nhấn chìm mình trong những suy nghĩ tiêu cực thì sẽ khiến bạn dễ nản lòng, bỏ cuộc và đánh mất niềm tin vào bản thân.
Chữa Lành Khi Đi Làm, Liệu Có Khó?
Tóm lại, chữa lành khi đi làm là một điều cần thiết trong một xã hội quá nhiều áp lực ngày nay. Hi vọng rằng qua bài viết của HR1Jobs đã giúp bạn có cái nhìn gần gũi hơn về chữa lành trong môi trường làm việc.
Theo dõi series “Chữa Làm Để Chữa Lành” cũng như cập nhật những bài viết mới nhất để đi làm được yên và tâm hồn được lành!
Xem phần 2: Nói “Không" Với Overwork Để Thoát Khỏi Vòng Xoáy Công Việc