Xin chào các bạn, rất vui khi được gặp lại các bạn tại podcast Zwiki,
Không chỉ riêng GenZ tụi mình, mà ngay cả bất cứ lứa tuổi nào cũng có những trạng thái cảm xúc đa dạng. Không ai là không biết mệt mỏi sau một tuần chạy deadline không có hồi kết, không ai cảm thấy tích cực khi môi trường làm việc luôn đầy rẫy những drama và cũng không ai có thể hạnh phúc khi ta đặt kỳ vọng quá nhiều.
Sự thất vọng là một trạng thái tâm lý phổ biến và tự nhiên. Khi chúng ta đặt kỳ vọng quá cao, chúng ta thường có xu hướng mong đợi nhiều hơn từ công việc, từ đồng nghiệp và từ bản thân mình. Khi hiện thực không đáp ứng đúng, bản thân dễ dàng cảm thấy sự thất vọng.

Vậy nguồn gốc đến từ đâu?
Sự thất vọng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân,
Kỳ vọng không thực tế:
Đôi khi, chúng ta đặt ra kỳ vọng khác xa thực tế đối với bản thân hoặc công việc của mình. Ví dụ như, bạn có thể kỳ vọng mình sẽ thăng tiến nhanh chóng sau vài tháng làm việc mới. Hoặc bạn hy vọng rằng bạn sẽ đem lại doanh số bán hàng gấp đôi so với mục tiêu ban đầu. Bạn thậm chí hình dung ra rằng dự án này sẽ làm bạn nổi tiếng trong ngành và tạo ra cơ hội nghề nghiệp không thể tưởng tượng. Tuy nhiên, thực tế không như bạn kỳ vọng. Mặc dù dự án có thành công, doanh số bán hàng không tăng đáng kể và bạn không nổi tiếng như bạn đã tưởng. Sự thất vọng tràn đầy khi bạn nhận ra rằng kỳ vọng không thực tế của mình đã dẫn đến sự thất bại trong việc đánh giá và quản lý dự án.
Thiếu thông tin rõ ràng:
Có một câu chuyện mà mình được nghe từ một người bạn cùng lớp, rằng nó làm việc trong một công ty công nghệ khởi nghiệp. Trong cuộc họp team, giám đốc dự án thông báo rằng một dự án quan trọng sẽ có thay đổi lịch trình và phải hoàn thành trong thời gian ngắn hơn. Nhưng mà xui thay, người giám đốc này không cung cấp thông tin cụ thể về lý do thay đổi này để hoàn thành dự án trong thời hạn mới. Do thiếu thông tin cụ thể, mọi người trong cả team của bạn mình tự tưởng tượng và đặt ra kỳ vọng không thực tế về việc phải làm thêm giờ, đối mặt với áp lực lớn hơn, hoặc thậm chí là nguy cơ mất công việc.
Xem thêm: Gen Z không phải Gen Zombies
Kỳ vọng không phù hợp với năng lực:
Nếu kỳ vọng của bạn không phù hợp với năng lực hoặc kỹ năng của bạn, sự thất vọng có thể tăng lên. Như đã chia sẻ ở đầu podcast, trước đây bản thân mình tin rằng bản thân có thể xử lý công việc này một cách xuất sắc. Mình cam kết làm việc cả ngày lẫn đêm, hy vọng sẽ hoàn thành dự án đúng hạn. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Dự án phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian hơn mình kỳ vọng. Từ đó, mình bắt đầu cảm thấy áp lực ngày càng tăng lên, và sự thất vọng tràn đầy khi mình nhận ra rằng năng lực của mình không đủ để đối phó với công việc này trong thời gian ngắn. Dẫn đến hậu quả là khi không được giải quyết, bạn có khả năng bùng phát thành sự tức giận, căng thẳng, phẫn uất, và chán nản,…
Cách quản lý kỳ vọng
Biết được lý do rồi mà còn không thay đổi thì không được đâu à nha. Đầu tiên chúng ta có thể nói đến là:
Cân nhắc kỳ vọng:
Trước khi cam kết vào một dự án hoặc mục tiêu, bạn hãy nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về nhiệm vụ hoặc công việc cụ thể. Điều này bao gồm việc xác định yêu cầu, khó khăn, và thời gian cần thiết để hoàn thành. Luôn luôn so sánh kỳ vọng hiện tại với những kinh nghiệm trước đó của bạn. Điều này giúp bạn đánh giá liệu công việc mới có đòi hỏi kỹ năng và năng lực mà bạn đã có hay không. Và nên nhớ rằng đặt ra mục tiêu dựa trên thông tin và đánh giá của bạn. Đảm bảo rằng mục tiêu này là thực tế và có thể đạt được trong bối cảnh hiện tại.
Học hỏi từ sự thất vọng:
Học hỏi từ sự thất vọng là một khía cạnh quan trọng của quá trình phát triển cá nhân và quản lý tình huống khi gặp khó khăn trong công việc. Thay vì chỉ xem sự thất vọng là một thất bại, bạn có thể biến nó thành một cơ hội để nâng cao kiến thức, kỹ năng và trí tuệ tinh thần của mình. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như "Tại sao mình đã thất bại?" hoặc "Mình có thể làm gì khác để đạt được kết quả tốt hơn không?". Và hãy học hỏi từ người khác, đặc biệt là từ những người đã trải qua sự thất bại tương tự. Họ có thể cung cấp thông tin, góc nhìn và kinh nghiệm quý báu để giúp bạn hiểu rõ hơn về tình huống của mình và cách vượt qua nó.
Tìm kiếm hỗ trợ:
Gia đình là một trong những bác sĩ chữa lành tốt nhất cho những tổn thương tinh thần. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè để có thể lắng nghe, chia sẻ những khó khăn mà bạn gặp phải. Nếu công việc của bạn liên quan đến một nhóm, hãy thảo luận với đồng nghiệp về các giải pháp và cách cải thiện tình hình. Đôi khi, một góc nhìn từ người khác có thể giúp bạn tìm ra giải pháp nhanh chóng.
Kết lại thì, bất kể trải nghiệm thất vọng nào xảy ra, thử thách của chúng ta sẽ là không để mọi cảm xúc cay đắng bén rễ. Mặc dù sự thất vọng là không thể tránh khỏi, nhưng cảm giác nản lòng luôn là một sự lựa chọn của bản thân ta. Mình đọc được một đoạn rất hay của Vietcetera là nếu tin buồn là bạn mới thất bại và mắc kẹt trong cái bẫy kỳ vọng của tạo hóa, thì tin vui là những cảm xúc tiêu cực của bạn chẳng qua chỉ là tác dụng phụ của đoạn mã sinh tồn.
Mình không ở đây để đưa ra những tips, những mẹo hay những quy trình để giúp bạn chế ngự sự kỳ vọng. Vì ngay cả bản thân mình, ở một thời điểm nào đó, cũng đã từng hi vọng rất nhiều. Thôi thì một câu nói kết thúc buổi podcast ngày hôm nay nhé: “Những ước mong của chúng ta thường làm chúng ta thất vọng; bởi dù chúng ta gặp được điều khiến mình hài lòng, nó chẳng bao giờ hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng.”- Erich Fromm.
Khám phá thêm chủ đề thú vị cùng series podcast "ZWiki" tại đây nhé!
Youtube & Spotify