
1. Quá khiêm tốn
Khiêm tốn là đức tính tốt. Tuy nhiên, khiêm tốn quá mức hoặc không đúng lúc sẽ tạo cảm giác tiêu cực cho người xung quanh về chính bạn lẫn công việc bạn đang/sẽ làm. Vì vậy, không cần ba hoa nhưng cũng không nên quá khiêm tốn. Bạn chỉ cần tập trung làm đúng việc của mình hết khả năng có thể, ghi nhận lời khen, tiếp nhận lời chê là đủ. Việc đánh giá kết quả hay chất lượng hãy để tự nhiên.
2. Chỉ xây dựng & giữ quan hệ một bề
Cấp trên hay cấp dưới đều là đồng nghiệp, là những người bạn sẽ gặp hàng ngày. Công việc vốn dĩ không bao giờ bằng phẳng, luôn có lúc lên, lúc xuống. Kéo theo đó là sự lên xuống về mặt cảm xúc cá nhân lẫn những va chạm trong quan hệ. Tạo mối quan hệ một bề theo kiểu o bế, bè phái với người dưới hay chỉ tập trung vào những người có lợi cho sự nghiệp của mình như sếp hay đồng nghiệp ngang cấp sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng khó xử khi cần tương tác.
Hãy lịch sự & tôn trọng mọi người để dù cho bạn đang thăng hoa trong sự nghiệp hay đang ở quãng trũng trong cuộc đời công sở của mình cũng đều không phải rơi vào bế tắc trong mối quan hệ với người xung quanh.
3. Coi văn phòng như nhà mình.
Gắn bó với nơi làm việc là một điều tốt, giúp bạn không bị lạc lõng trong môi trường công sở vốn bị cho là lạnh lẽo và không có tình thân. Tuy nhiên, dù bạn có gắn bó với công ty như thế nào thì nơi làm việc cũng không phải nhà ở & văn phòng không phải phòng sinh hoạt chung của gia đình. Vì vậy, hãy hạn chế những việc gây ảnh hưởng tới không gian chung như đồ ăn nặng mùi, tiếng ồn... cũng như chú ý cách hành xử của mình từ cử chỉ tới thái độ. Có những hành động không sai nhưng không thích hợp với môi trường công sở, bạn sẽ đánh một dấu ghi nhớ vào mắt đồng nghiệp hay cấp trên thậm chí là cả cấp dưới nếu không cẩn trọng.
4. Ngại đặt câu hỏi
Trong một tập thể, dù là ở hình thái nào cũng luôn có luật lệ riêng bao gồm cả luật lệ chính thống lẫn luật bất thành văn. Trong một môi trường mới hay một tình huống nhất định, nhiều người thường ngại hỏi đồng nghiệp vì sợ quê (xấu hổ), sợ làm phiền hay đơn giản chỉ là có thói quen tự tìm hiểu, tự suy luận. Đây là điều hết sức sai lầm! Không ai có thể biết hết mọi thứ dù thông thái đến mấy và dù kinh nghiệm nhiều bao nhiêu. Hãy đặt câu hỏi khi cần thiết & hãy trực tiếp hỏi người xung quanh để tránh những hiểu lầm không đáng tiếc chỉ vì ngại hỏi. Câu hỏi luôn là bước đầu tiên của tiếp nhận kiến thức và cũng là bước đầu tiên giúp bạn tương tác với người khác dễ dàng hơn.
5. Ôm đồm
Thói quen ôm đồm thường đi cùng với "bao đồng". Giúp đỡ người khác hay nhiệt tình với mọi việc là điều tốt. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng việc mà mình "ôm vào" là có hiệu quả với năng suất tốt, người mà mình giúp đỡ thật sự cần tới sự giúp đỡ của mình. Nếu không, sự ôm đồm và bao đồng của bạn vừa vô nghĩa vừa làm nảy sinh thêm vấn đề.
Hãy để mọi người cũng có cơ hội "được tốt/nhiệt tình" giống như mình. Mọi người đều tốt thì mọi việc sẽ tốt một cách tự nhiên mà không cần tới vị anh hùng nào cả!
HR1JOBS - NỀN TẢNG TUYỂN DỤNG TRỰC TUYẾN TẠI VIỆT NAM
Tìm việc và tuyển dụng tại HR1Jobs.com
Tìm việc và tuyển dụng ngành IT HR1Tech.com