Bạn là sinh viên đang trong giai đoạn thực tập nhưng CV chưa có quá nhiều kinh nghiệm? Đừng lo lắng! Hãy để HR1Jobs “mách” bạn cách viết CV thực tập khi chưa có kinh nghiệm để bạn tự tin apply vào các doanh nghiệp và mở ra những cơ hội nghề nghiệp đầu tiên.
Cấu Trúc Của Một CV Thực Tập Tiêu Chuẩn
Thực tế, CV thực tập không khác gì với CV xin việc nói chung về mặt cấu trúc. Nó bao gồm:
- Thông tin cá nhân: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, email liên lạc, LinkedIn hoặc mạng xã hội khác (nếu có).
- Mục tiêu nghề nghiệp: Một đoạn ngắn mô tả mục tiêu nghề nghiệp của bạn, nêu rõ lý do bạn muốn thực tập và những gì bạn hy vọng đạt được.
- Học vấn: Liệt kê trường học, chuyên ngành, thời gian theo học. Nêu rõ những thành tích học tập nổi bật nếu có.
- Kinh nghiệm làm việc: Kinh nghiệm làm việc của bạn bao gồm các công việc freelance, part-time, full-time,...
- Kỹ năng: Liệt kê các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn mà bạn có.
- Hoạt động ngoại khóa: Nêu rõ những hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, tình nguyện hoặc tổ chức mà bạn đã tham gia, cùng với vai trò và những gì bạn đã học được từ những hoạt động này.
- Chứng chỉ và giải thưởng: Liệt kê các chứng chỉ, giải thưởng hoặc khóa học mà bạn đã hoàn thành.
- Người tham chiếu (không bắt buộc): Bao gồm thông tin liên lạc của người giới thiệu nếu có. Chẳng hạn như giảng viên, trưởng CLB,... Điều này giúp nhà tuyển dụng có thể xác minh thông tin của bạn.
- Sở thích (không bắt buộc): Liệt kê những sở thích, đam mê hoặc hoạt động mà bạn yêu thích, đặc biệt nếu chúng liên quan đến lĩnh vực bạn ứng tuyển.
Cấu trúc của một CV thực tập tiêu chuẩn
Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Viết CV Thực Tập Khi Chưa Có Kinh Nghiệm
Đối với những bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm, thì việc “lấp đầy” những mục bên trên là điều khá nan giải. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết giúp bạn tạo ra một CV thực tập ấn tượng, ngay cả khi chưa có kinh nghiệm làm việc.
1. Thông Tin Cá Nhân
Trong mục này, hãy liệt kê CHÍNH XÁC các thông tin cá nhân cơ bản của bạn, bao gồm
- Họ và tên
- Ngày tháng năm sinh
- Địa chỉ
- Số điện thoại
- Email liên lạc
- LinkedIn hoặc mạng xã hội khác (nếu có).
- Link portfolio (nếu có)
Đặc biệt, việc cung cấp thêm liên kết mạng xã hội, đặc biệt là LinkedIn là một điểm cộng rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, điều này cho thấy bạn đã thể hiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân từ sớm, cũng như chủ động kết nối với những người trong ngành.
2. Mục Tiêu Nghề Nghiệp
Đối với các bạn thực tập sinh chưa có kinh nghiệm, đầy là phần quan trọng để nhà tuyển dụng thấy được sự nhiệt huyết và nghiêm túc của bạn trong công việc và sự nghiệp. Đầu tiên, hãy đảm bảo rằng phần này được trình bày ngắn gọn, không quá dài hoặc lan man.
Sinh viên mới ra trường thường vẫn chưa quyết định được hướng đi cụ thể cho sự nghiệp của mình, tuy nhiên bạn có thể đặt ra những mục tiêu rõ ràng mà mình muốn đạt được. Hãy nêu rõ lĩnh vực bạn muốn thực tập, những kỹ năng bạn mong muốn phát triển, và cách bạn có thể đóng góp cho công ty. Điều này không chỉ thể hiện sự đam mê của bạn đối với công việc mà còn cho thấy bạn có tư duy hướng tới tương lai và sẵn sàng học hỏi trong môi trường chuyên nghiệp.
Xem thêm: Cách viết mục tiêu nghề nghiệp cho thực tập sinh
Mục tiêu nghề nghiệp
3. Học Vấn
Khi chưa có kinh nghiệm, bạn cần làm nổi bật quá trình học tập của mình. Liệt kê tên trường, chuyên ngành, và thời gian bắt đầu học - thời gian (dự kiến) tốt nghiệp một cách rõ ràng. Ngoài ra, bạn có thể liệt kê những môn học liên quan đến vị trí ứng tuyển, thể hiện rằng bạn có một nền tảng lý thuyết tốt liên quan đến công việc đó.
Nếu có, hãy nhấn mạnh những thành tích nổi bật như điểm GPA cao hoặc những dự án, đồ án nhóm nổi bật, và đừng quên đề cập đến các hoạt động ngoại khóa hay hội thảo mà bạn đã tham gia, vì chúng thể hiện sự chủ động và tinh thần học hỏi của bạn.
4. Kinh Nghiệm Làm Việc
Nếu bạn là sinh viên đã có kinh nghiệm đi làm từ năm 1,2,3, hãy liệt kê những công việc mà bạn đã từng làm một cách rõ ràng. Nêu tên công ty, thời gian làm việc và mô tả ngắn gọn về nhiệm vụ, trách nhiệm và thành quả đạt được của bạn trong từng vị trí.
Tuy nhiên, nếu bạn là người chưa có bất kì kinh nghiệm gì kể cả làm thêm bán thời gian, ở mục này bạn có thể liệt kê các hoạt động tình nguyện mà mình đã tham gia trong quá trình học tập tại trường. Hoặc, một mẹo nhỏ rằng nếu bạn đã từng đảm nhiệm vai trò leader trong các bài tập nhóm, đừng ngần ngại đề cập đến nó trong CV thực tập. Hãy mô tả những kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giao tiếp mà bạn đã phát triển từ những trải nghiệm này. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận thấy tiềm năng và sự chủ động của bạn ngay cả khi chưa có kinh nghiệm làm việc chính thức.
Kinh nghiệm làm việc
5. Hoạt Động Ngoại Khóa
Trong trường hợp bạn hoàn toàn là “tờ giấy trắng” trong phần kinh nghiệm làm việc, bạn có thể khiến CV thực tập nổi bật bằng các hoạt động ngoại khóa. Hãy liệt kê các câu lạc bộ, tổ chức, hoặc sự kiện mà bạn đã tham gia, nêu rõ vai trò và những đóng góp của bạn.
Ngoài ra, nếu bạn từng tham gia tổ chức sự kiện, hội thảo hay các chương trình tình nguyện, hãy mô tả ngắn gọn những gì bạn đã học được từ những trải nghiệm đó. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng cảm nhận được sự năng động và niềm đam mê của bạn đối với công việc trong tương lai.
6. Chứng Chỉ Và Giải Thưởng
Trong quá trình học, bạn có thể đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như giải thưởng và học bổng, điều này có thể giúp bạn gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng. Hãy liệt kê tên giải thưởng, học bổng và thời gian rõ ràng. Những thành tích này không chỉ thể hiện năng lực học tập của bạn mà còn cho thấy sự nỗ lực và cam kết trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu.
Ngoài ra, nếu bạn đã hoàn thành các khóa học trực tuyến hoặc nhận chứng chỉ chuyên môn, đừng quên đề cập đến chúng. Những thông tin này sẽ làm nổi bật kỹ năng và kiến thức của bạn, giúp CV trở nên ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
7. Kỹ Năng
Kỹ năng là điều nhà tuyển dụng luôn lưu ý ở một CV thực tập. Tại đây, bạn cần chia rõ thành 2 phần: kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn. Hai phần kỹ năng này bạn nên đề cập những kỹ năng bạn sở hữu mà có liên quan đến vị trí ứng tuyển. Điều này là tối quan trọng bởi nếu bạn liệt kê những kỹ năng “không cần thiết”, CV sẽ trở nên không nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các từ vựng chỉ mức độ như “beginner,” “intermediate,” “advanced” để mô tả rõ ràng khả năng của mình. Hoặc để ấn tượng và thực tế hơn, bạn có thể viết 1-2 dòng mô tả rằng bạn đã vận dụng những kỹ năng đó cho hoạt động và công việc gì.
8. Tiêu Đề CV
Ngày nay, chúng ta thường sẽ gửi CV xin việc đến nhà tuyển dụng thông qua email. Vì vậy, việc đặt tiêu đề có file CV là ấn tượng ban đầu mà bạn cần lưu ý giúp “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Điều này thể hiện được sự chuyên nghiệp, chỉn chu và tinh tế từ bạn. Trong trường hợp không có yêu cầu đặc biệt nào từ công ty thì bạn có thể đặt tiêu đề CV theo mẫu: [Tên Công Ty] _Vị trí ứng tuyển_Họ và tên
Tạo CV Thực Tập Ấn Tượng Cùng HR1CV
Để nổi bật giữa hàng trăm ứng viên trong quá trình xin thực tập, việc sở hữu một CV chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng. Với HR1CV, bạn có thể dễ dàng tạo ra một bản CV ấn tượng với nhiều mẫu mã được thiết kế đặc biệt để phù hợp với nhu cầu của từng vị trí thực tập. Truy cập ngay tại ĐÂY.
Tạo CV thực tập ấn tượng cùng HR1CV
Theo dõi HR1Jobs để đón xem những bài viết mới nhất!