Hợp đồng lao động luôn là bước quan trọng trong quá trình bắt đầu công việc mới. Đây không chỉ là một thủ tục hành chính, mà còn là cam kết pháp lý giữa bạn và nhà tuyển dụng, xác định quyền lợi và trách nhiệm của cả đôi bên. Trước khi đặt bút ký vào văn bản quan trọng này, bạn cần nắm rõ những điểm then chốt để đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ và tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Trong bài viết này, hãy cùng HR1Jobs liệt kê 5 nội dung quan trọng mà bạn cần lưu ý và xem xét kỹ lưỡng trước khi ký vào hợp đồng lao động.
Hợp Đồng Lao Động Là Gì?
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, có quy định về khái niệm về Hợp đồng lao động như sau:
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Quy định về hình thức của hợp đồng lao động được viết tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019:
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.
Hợp Đồng Lao Động Là Gì?
5 Nội Dung Cần Lưu Ý Trong Hợp Đồng Lao Động
Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng sự thiếu hiểu biết của NLĐ để đưa ra những điều khoản bất lợi cho họ trong hợp đồng lao động. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, NLĐ cần chủ động tìm hiểu về luật lao động và đọc kỹ hợp đồng lao động trước khi ký kết.
Dưới đây là 5 nội dung quan trọng cần lưu ý trước khi ký vào hợp đồng lao động:
1. Quyền Lợi Trong Thời Gian Thử Việc
Thử việc là giai đoạn rất quan trọng, tạo cơ sở cho quan hệ lao động chính thức sau này. Tuy nhiên, nhiều NLĐ thường đánh giá chưa đúng về tầm quan trọng của thử việc, do đó không được hưởng đầy đủ quyền lợi trong quá trình thử việc.
Thời hạn thử việc được quy định tại Điều 25 Bộ Luật Lao Động. Theo đó, chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Về tiền lương thử việc, pháp luật cho phép hai bên tự do thỏa thuận mức lương phù hợp. Tuy nhiên, mức thỏa thuận ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Nhiều người lao động không biết hoặc không chú ý đến điều khoản quan trọng về lương thử việc. Điều này dẫn đến việc nhiều người sử dụng lao động lợi dụng để trả lương thử việc thấp hơn mức quy định, thậm chí không trả lương.
Cần lưu ý rằng, trong thời gian thử việc, cả NLĐ và NSDLĐ đều có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
2. Lương & Chế Độ Phúc Lợi
Lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các trợ cấp, thưởng, nghỉ phép năm và chế độ nâng lương là những quyền lợi cơ bản mà người lao động (NLĐ) quan tâm khi làm việc. Do đó, khi thỏa thuận hợp đồng lao động, NLĐ cần cẩn trọng với các điều khoản liên quan đến những quyền lợi này.
Mặc dù pháp luật không quy định mức lương tối đa hay mức lương cố định cho từng công việc, nhưng có quy định về mức lương tối thiểu mà NLĐ được hưởng. Vì vậy, khi ký hợp đồng lao động, NLĐ cần biết mức lương tối thiểu theo quy định để có căn cứ xem xét các quy định về lương trong hợp đồng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến các quy định về các trợ cấp, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,..v…v…
Lương & Chế Độ Phúc Lợi
3. Xử Lý Kỷ Luật Lao Động
Theo Điều 124 Bộ luật Lao động quy định 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức và sa thải.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp áp dụng các hình thức kỷ luật lao động không có trong BLLĐ, chẳng hạn như phạt giảm/trừ lương, điều chuyển công việc khác,... Chúng ta rất dễ bắt gặp quy định đến công ty muộn hoặc không làm tốt công việc sẽ bị phạt giảm/trừ lương. Việc này là sai phạm bởi nó không được pháp luật công nhận là hình thức kỷ luật lao động.
Do đó, NLĐ cần lưu ý rằng phạt giảm/trừ lương là hành vi vi phạm pháp luật và có quyền từ chối chấp hành. Nếu bị NSDLĐ áp dụng hình thức kỷ luật bất hợp pháp, NLĐ có thể khiếu nại hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
4. Thời Gian Làm Việc & Nghỉ Phép
Căn cứ vào Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì sẽ có 12 ngày làm việc nghỉ hằng năm nếu làm công việc trong điều kiện bình thường.
Về thời gian làm việc, theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Như vậy, thời giờ làm việc bình thường không được vượt quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.
Thời Gian Làm Việc & Nghỉ Phép
5. Đơn Phương Chấm Dứt Hợp Đồng Lao Động
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp lao động. Do đó, người lao động cần nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo Điều 35 Bộ luật Lao động:
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần chủ động tìm hiểu về luật lao động và đọc kỹ trước khi ký kết, không ngại lên tiếng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm và biết cách xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc.
Theo dõi HR1Jobs để đón xem những nội dung bổ ích và thú vị!
Nguồn:
TNTP Law
Thư viện Pháp luật