Tìm bài viết phù hợp

Thực trạng hiện nay của một bộ phận người đi làm: Mòn mỏi tìm việc...

03/07/23 08:07

1. Gửi đi 70 bộ hồ sơ nhưng đến nay chưa tìm được việc.

Bạn cho biết trong số hồ sơ đã gửi đi, 35 không có hồi âm, 17 đang trong trạng thái chờ, còn lại bị từ chối hoặc đã phỏng vấn mà không đậu. Trước đây, bạn làm kế toán cho một công ty sản xuất. Đại dịch khiến công ty gần như phá sản, lương và các chế độ của nhân viên bị cắt giảm, nhiều người nghỉ việc hoặc bị ép nghỉ. Bạn mất việc từ tháng 9/2022.

Kể từ đó, ngày nào bạn cũng lùng sục các nguồn tuyển dụng, "đọc nát" những thông báo tìm người để kiếm một công việc phù hợp, trước khi nộp CV đều đọc kỹ mô tả, thấy mình đáp ứng được 80% yêu cầu mới ứng tuyển. Để chắc chắn, nhiều lần bạn đến nộp trực tiếp cho nơi tuyển dụng hoặc gửi qua các web việc làm uy tín nhưng tỷ lệ được gọi phỏng vấn vô cùng ít.

Lao động đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sáng 20/6. Trong quý I/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng gần 20%, riêng trong tháng 3 tăng hơn 60% so với tháng 2. Ảnh: Phan Dương.

2. Mới thất nghiệp hơn một tháng mà "cảm tưởng dài như cả năm".

Một bạn trẻ khác đã có 5 năm làm chăm sóc khách hàng cho một công ty ở Hà Nội, đợt này công ty làm ăn kém, bạn quyết định nghỉ chuyển vào TP HCM sinh sống gần gia đình. "Cứ ngỡ vào đó sẽ dễ xin việc hơn, nhưng có vẻ tôi nhầm", bạn nói.

Một tháng qua, bạn đã gửi 300 hồ sơ xin việc cả online, trực tiếp, cho các vị trí chăm sóc khách hàng, hành chính, văn thư lưu trữ nhưng đều không có phản hồi.

Hai bạn trẻ trên là những đại diện của nhóm lao động thất nghiệp bởi nhiều doanh nghiệp lao đao sau đại dịch phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự. Tại diễn đàn Chính sách việc làm cho thanh niên ngày 5/5, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết thống kê quý I/2023, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 7,6%, gấp 3,4 lần tỷ lệ chung cả nước.

Chỉ tính riêng khối sản xuất, theo Tổng cục Thống kê đến hết quý I/2023, cả nước có 149.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tăng gần 13% so với quý trước.

Theo báo cáo Khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, làn sóng sa thải người lao động có thể sẽ còn tiếp diễn. Khoảng 5.200 trong gần 9.560 doanh nghiệp cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

36 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm hôm 24/6 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Phan Dương

Nhưng việc nhiều người mòn mỏi đi tìm việc không thành không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp hay tình hình kinh tế. Tại Phiên giao dịch việc làm tổ chức tại Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) hôm 24/6 có 36 đơn vị tham gia tuyển dụng, mang đến 1.730 chỉ tiêu nhưng lượng ứng viên đến tham dự rất ít. Có những doanh nghiệp không tìm được ứng viên nào. Đại diện một công ty lớn trong lĩnh vực may mặc cho biết họ tuyển hơn 30 nhân sự gồm kỹ thuật, kế toán, công nhân, mà chỉ có một người ứng tuyển.

Ứng viên tới tham dự phiên giao dịch thưa thớt nên chưa đến 10h sáng, các doanh nghiệp đã rục rịch ra về. Đại diện một công ty trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và phụ liệu ngành hoa cho biết họ là đơn vị ra về sau cùng, nhưng không tìm được ứng viên nào, dù có 5 vị trí tuyển dụng. "Người lao động cứ kêu không tìm được việc, nhưng doanh nghiệp đi tuyển thì không ai đến. Có vẻ trời mưa cũng khiến ứng viên ngại đi tìm việc", người này nói.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận tình trạng ứng viên than phiền khó tìm việc, thất nghiệp kéo dài trên mạng xã hội. Dù vậy, theo ông vẫn còn khá nhiều các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Trong 5 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã tổ chức khoảng 100 phiên giao dịch với hơn 2.800 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh gần 50.000 người. Kết quả có hơn 20.000 người được phỏng vấn và hơn 6.800 người có việc làm.

Chị Nguyễn Thùy Dương, ở Hà Nội, một chuyên gia hỗ trợ viết CV và trả lời phỏng vấn cho các ứng viên thừa nhận tình hình công việc năm nay không mấy lạc quan nhưng vẫn có khá nhiều công ty tuyển nhân viên mà không được.

Thông qua hàng trăm hồ sơ đã hỗ trợ, Thùy Dương nhận ra hơn 50% các ứng viên không tìm được việc là do không qua vòng CV, khoảng 30% do nộp CV chưa đúng vị trí, 15% chưa thể hiện tốt trong vòng phỏng vấn và 5% còn lại do nhà tuyển dụng tìm được ứng viên phù hợp hơn.

"Mọi người cần ý thức dù bản thân có giỏi thế nào, nếu CV không lọt vào mắt nhà tuyển dụng, sẽ không có cơ hội đứng trước họ thể hiện sự xuất sắc của bản thân. Một khi hai bên đã lỡ nhau sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng nhà tuyển dụng tìm mãi không được người, còn ứng viên tìm mãi không có việc", Thùy Dương nói.

Có vẻ như việc ghi điểm từ vòng CV vẫn còn khá khó khăn đối với các bạn trẻ. Với những chiếc CV được chỉnh sửa qua cho thấy rằng, các bạn vẫn chưa tập trung mạnh vào phần kinh nghiệm của mình cũng như làm nổi bật được những ưu điểm của bản thân.

Thùy Dương khuyên các ứng viên phải chăm chút cho CV. Không dùng một CV để nộp tất cả vị trí tại các công ty khác nhau, thông tin cần chỉnh sửa để phù hợp với từng vị trí, ví dụ như tiêu đề vị trí nộp, thông tin về kinh nghiệm, hoạt động ngoại khóa, người tham chiếu. Cách trình bày cần rõ ràng, mạch lạc, chỉ ghi những kinh nghiệm cần thiết.

Sau bước viết CV, mọi người cần tìm hiểu về mức lương trung bình hiện tại của công ty và vị trí định nộp. Nếu các yêu cầu ứng viên và mô tả công việc khớp với kinh nghiệm và kỹ năng từ 30% trở lên, tức bạn có cơ hội. Tỷ lệ khớp càng thấp, đồng nghĩa bạn phải đồng ý với mức lương thấp hơn. "Nên biết chấp nhận với mức lương hợp lý trong thời gian kinh tế suy thoái này", cô nói.

Ông Vũ Quang Thành dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong tháng tới của các doanh nghiệp có xu hướng tăng, sẽ có khoảng 43.000 - 45.000 vị trí việc làm, trong đó một số ngành nhu cầu tuyển dụng tăng cao như dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; bán buôn và bán lẻ.

Nguồn: Vnexpress

HR1Jobs - Nền Tảng Tuyển Dụng Trực Tuyến Đa Ngành Nghề

Tìm việc và tuyển dụng ngành IT. Khám phá thêm tại www.hr1tech.com

Lý Do Khiến Người Trẻ Ngại Tìm Việc Ngày Nay

Người trẻ ngày nay ngại tìm việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khám phá sự thật đằng sau hiện tượng này và các giải pháp...

Gen Z Đối Mặt Với Hội Chứng Kiệt Sức

Gen Z đối mặt với hội chứng kiệt sức trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc. Tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện và các giải pháp hiệu...

Những Xu Hướng Nổi Bật Trong Thu Hút Nhân Tài

Khám phá những xu hướng nổi bật trong thu hút nhân tài, từ trí tuệ nhân tạo, đa dạng và hòa nhập, đến cải thiện trải nghiệm ứng viên và...

TPHCM Có Còn Là Miền Đất Hứa Cho Người Lao Động Nhập Cư

TPHCM có còn là miền đất hứa cho người lao động nhập cư hay không khi chi phí sinh hoạt cao và thất nghiệp gia tăng.

Xu Hướng Sử Dụng Mạng Xã Hội Của Người Dùng Việt Nam (Quý 2/2024)

Báo cáo mới nhất từ Decision Lab cập nhật xu hướng tiêu thụ số của người dùng Việt Nam, tập trung vào thói quen trực tuyến từ mạng xã hội...

"Choáng" Với Tỷ Lệ Thất Nghiệp Ở Giới Trẻ Châu Á

Hiện nay, thị trường việc làm tại nhiều quốc gia châu Á đang đối mặt với nhiều khó khăn, khiến câu chuyện tìm việc trở nên thách thức hơn...